Thursday, 18/04/2024 - 07:46|
Chào mừng bạn đến với cổng thông tin điện tử của Trường THCS Đại Tập

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP DO CHỦNG MỚI CỦA VIRUS CORONA (nCoV) GÂY RA.

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP

DO CHỦNG MỚI CỦA VIRUS CORONA (nCoV) GÂY RA.

 

1)Virus nCoV là gì?

- Hay còn gọi là coronavirus, một loại virus đường hô hấp mới, gây bệnh viêm đường hô hấp cấp ở người và cho thấy có sự lây lan từ người sang người. Đây là chủng virus mới chưa được xác định trước đó. Cùng với nCoV, đã có 6 chủng coronavirus khác được biết tới ngày nay có khả năng lây nhiễm ở người.

2) Thời gian ủ bệnh do virus nCoV là bao lâu?

- Thời gian ủ bệnh được hiểu là khoảng thời gian từ khi bị lây nhiễm virus cho tới khi khởi phát các triệu chứng bệnh. Thời gian ủ bệnh viêm phổi cấp ước tính trong khoảng 14 ngày.

3) Các triệu chứng khi nhiễm virus nCoV là gì?

- Các triệu chứng của bệnh nhân mắc nCoV từ nhẹ đến nặng bao gồm: sốt, ho và khó thở. Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ 02 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh. Tới khi khởi phát, nCoV gây sốt và có thể tổn thương đường hô hấp. Trường hợp nặng, gây viêm phổi, suy hô hấp cấp tiến triển, thậm chí tử vong, nhất là các trường hợp có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch.

4) Virus nCoV có tồn tại ở bề mặt đồ dùng không? Nếu có thì tồn tại trong bao lâu?

- Virus nCoV có tồn tại ở bề mặt đồ dùng. Tuy nhiên hiện vẫn chưa rõ 2019-nCoV có khả năng sống trên bề mặt trong bao lâu. Mặc dù thông tin ban đầu gợi ý rằng virus có thể sống vài giờ trên bề mặt.

5) Nguy cơ khi mắc 2019-nCoV ở những người khác nhau có khác nhau không?

- Thông thường trẻ nhỏ, người già và những người đang bị bệnh mãn tính như tăng huyết áp, bệnh tim, tiểu đường, bệnh gan và bệnh hô hấp sẽ có nguy cơ phát triển các triệu chứng nghiêm trọng hơn người khác.

6) Virus nCoV lây lan như thế nào?Virus có lây truyền trong không khí hay không?

- Virus này ban đầu xuất hiện từ nguồn động vật nhưng có khả năng lây từ người sang người. Điều quan trọng cần lưu ý là sự lây lan từ người sang người có thể xảy ra liên tục.

Ở người, virus lây từ người này sang người kia thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ lây lan của chủng virus, việc ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm.

- Virus cũng có thể bị lây từ việc ai đó chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi, mắt họ. Những người chăm sóc bệnh nhân cũng có thể bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh.

   Có 2 con đường lây lan virus này bao gồm:

- Một là giọt bắn, bắn trực tiếp từ người bệnh sang người tiếp xúc. Khả năng lây lan phụ thuộc vào việc giọt bắn đi tới đâu, ở đây khoảng cách khoảng 2 mét. Trên 2 mét thì bạn có thể tránh được.

- Loại thứ hai là khí dung. Kích thước và trọng lượng của một số loại virus rất nhẹ. Nó có thể lơ lửng trong không khí khi mình ho, có thể bị gió thổi bay từ chỗ này sang chỗ khác. Do đó khả năng lây nhiễm bệnh xa hơn, bán kính rộng lớn hơn. Chúng ta cần hiểu rõ hai loại này.

àNhư vậy virus không lây truyền trong không khí, virus này không đủ nhẹ để bay. Chỉ khi nào giọt bắn tiếp xúc trực tiếp với bạn thì mới có khả năng. Điều này cũng giải thích cho chuyện vì sao mang khẩu trang thông thường cũng có thể ngăn ngừa được virus. Vì khẩu trang có thể cản được giọt bắn.

7) Sự khác biệt giữa nhiễm nCoV, cúm hoặc cảm lạnh là gì?

- Người nhiễm 2019-nCoV, cúm hoặc cảm lạnh thường có các triệu chứng hô hấp như sốt, ho và sổ mũi. Mặc dù nhiều triệu chứng là giống nhau nhưng nguyên nhân gây bệnh lại là các virus khác nhau. Do vậy, rất khó xác định bệnh nếu chỉ dựa vào triệu chứng. Đó là lý do tại sao cần xét nghiệm để xác định người nhiễm 2019-nCoV.

- WHO khuyến cáo những người bị ho, sốt và khó thở nên đi khám sớm. Bệnh nhân nên

thông báo cho nhân viên y tế nếu họ đã đi du lịch trong 14 ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng hoặc đã tiếp xúc gần với người bệnh có các triệu chứng đường hô hấp.

8) Kháng sinh có hiệu quả trong việc dự phòng và điều trị nCoV không?

- Kháng sinh không có tác dụng diệt virus và chỉ có tác dụng đối với các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn. Chủng mới của virus corona là virus. Do đó không sử dụng kháng sinh như một biện pháp dự phòng hoặc điều trị.

9) Những trường hợp nào cần tự cách ly tại nhà? Trường hợp nào phải cách ly tập trung?

* Đối tượng cách ly tại nhà:

Có tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh khi:

         - Sống trong cùng nhà, nơi lưu trú

         - Cùng làm việc

         - Cùng nhóm du lịch, đoàn công tác, nhóm vui chơi

         - Có tiếp xúc gần trong vòng 2 mét

    - Ngồi cùng hàng hoặc trước sau hai hàng ghế trên cùng một chuyến xe/toa tàu/máy bay

         - Người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam từ vùng dịch (Trung Quốc, Hàn Quốc…) hoặc từng đi qua Trung Quốc (trừ tỉnh Hồ Bắc) trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

      * Đối trượng phải cách ly tập trung

    - Người đến từ hoặc đi qua vùng dịch (tỉnh Hồ Bắc-Trung Quốc…) nhập cảnh vào Việt Nam trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.

    - Người Việt Nam đến từ hoặc đi qua vùng dịch (trừ tỉnh Hồ Bắc-Trung Quốc…) trở về Việt Nam trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh

10) Đã có loại thuốc đặc hiệu để phòng và điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV gây ra chưa?

- Mặc dù đã có trường hợp khỏi bệnh, nhưng hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Theo Bộ Y tế, các cơ sở y tế tập trung điều trị triệu chứng, ngăn ngừa biến chứng, phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng suy hô hấp, suy thận và các tạng khác.

- Đối với những trường hợp dương tính với virus corona sẽ được kiểm soát tình trạng suy hô hấp và hỗ trợ hô hấp, hỗ trợ chức năng các cơ quan. Ngoài ra, bệnh nhân được dùng thuốc giảm ho, hạ sốt, điều chỉnh rối loạn nước, điện giải, tăng cường sức đề kháng và điều trị bệnh nền nếu có. Việc giám sát và cách ly người nghi nhiễm nCoV cũng là vấn đề quan trọng cấp thiết hiện nay.

- Công ty công nghệ sinh học Moderna Theraputics của Mỹ đã tạo ra vắcxin ngừa virus corona chủng mới gây bệnh Covid-19 chỉ 42 ngày sau khi Trung Quốc công bố bộ gen của chủng virus này. Có thể đầu tháng 4-2020 sẽ được thử nghiệm trên người.

11) Cách phòng tránh bệnh virus corona như thế nào?

Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng chủ động thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Cần che mũi và miệng khi ho, xì mũi bằng khăn/giấy dùng 1 lần

- Thường xuyên súc họng bằng nước sát khuẩn miệng

- Tránh tiếp xúc bất kỳ ai có dấu hiệu/triệu chứng cảm lạnh hoặc triệu chứng như cúm

- Nên hạn chế đi ra ngoài, hạn chế đám đông, bớt đi lễ hội, chùa chiền

- Ăn uống điều độ, uống nhiều nước, vận động đều đặn

- Giữ ấm cơ thể, tập thể dục, ăn chín, uống chín và đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng.

- Hạn chế tiếp xúc với các vật nuôi, động vật hoang dã.

- Khi ra ngoài cần đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay, hạn chế ngồi phòng máy lạnh

- Nhà cửa, cơ quan, công sở, trường/lớp học… giữ sạch sẽ, thông thoáng, có ánh nắng càng tốt

- Không dùng chung các đồ dùng cá nhân như cốc, chai nước, khăn tay,...

- Không khạc nhổ bừa bãi.

- Nếu thấy có biểu hiện của bệnh viêm đường hô hấp cấp tính, phải thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, cách ly và điều trị phù hợp.

12) Nêu quy trình rửa tay 6 bước?

- Bước 1: Làm ướt hai bàn tay bằng nước sạch. Thoa xà phòng vào lòng bàn tay. Chà xát hai lòng bàn tay vào nhau.

- Bước 2: Dùng ngón tay và lòng bàn tay này cuốn và xoay lần lượt từng ngón của bàn tay kia và ngược lại.

- Bước 3: Dùng lòng bàn tay này chà xát chéo lên mu bàn tay kia và ngược lại.

- Bước 4: Dùng đầu ngón tay của bàn tay này miết vào kẽ giữa các ngón của bàn tay kia và ngược lại.

- Bước 5: Chụm 5 đầu ngón tay của tay này cọ vào lòng bàn tay kia bằng cách xoay đi, xoay lại.

- Bước 6: Xả cho tay sạch hết xà phòng dưới nguồn nước sạch. Lau khô tay bằng khăn hoặc giấy sạch.

13) Sử dụng khẩu trang đúng cách như thế nào?

* Với khẩu trang y tế:

- Chỉ sử dụng một lần rồi vất vào thùng rác an toàn, có nắp đậy.

- Khi đeo khẩu trang phải để mặt xanh ra ngoài do mặt màu xanh có tính chống nước, các giọt nước bọt lớn bắn vào sẽ không thấm vào trong, có thể rơi xuống. Mặt màu trắng có tính hút ẩm nên quay vào trong, để hơi thở thoát ra thấm vào khẩu trang. Khẩu trang phải che kín cả mũi lẫn miệng.

- Khi mang khẩu trang tuyệt đối không sờ tay vào, vì động tác sờ tay, thậm chí chỉnh sửa khẩu trang sẽ vô tình làm cho bàn tay lây nhiễm virus và các tác nhân gây bệnh khác, sau đó truyền bệnh lại cho chính mình và những người xung quanh.

- Khi tháo khẩu trang chỉ được cầm vào dây đeo qua tai, tháo ra cho vào thùng rác an toàn. Tuyệt đối không dùng tay cầm vào khẩu trang để tháo ra, thói quen lấy tay vo khẩu trang lại sẽ gây lây nhiễm virus và các tác nhân gây bệnh khác cho bàn tay. Rửa tay ngay sau khi tháo bỏ khẩu trang./.

* Với khẩu trang vải:

- Tránh không sờ vào bề mặt khẩu trang khi đang đeo

- Khi tháo khẩu trang chỉ cầm vào quai để tháo

- Giặt khẩu trang hàng ngày để dùng lại cho lần sau.

*

****

*******

MỘT SỐ VẤN ĐỀ NHÀ TRƯỜNG, CBGNNV, HỌC SINH VÀ CHA MẸ HỌC SINH CẦN THỰC HIỆN

I. Tại nhà, trước khi đến trường:

1. Cha mẹ học sinh, sinh viên, học viên lưu ý các hoạt động sau để tăng cường sức khỏe cho học sinh và bản thân sinh viên, học viên:

- Súc miệng, họng bằng nước muối hoặc nước súc miệng thường xuyên.

- Giữ ấm cơ thể, tập thể dục, ăn chín, uống chín và đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng.

- Hạn chế tiếp xúc với các vật nuôi, động vật hoang dã.

2. Đối với trẻ em mầm non, học sinh: Cha mẹ học sinh có trách nhiệm đo nhiệt độ cho học sinh. Nếu có sốt hoặc ho, khó thở thì chủ động cho trẻ nghỉ học và theo dõi sức khỏe tại nhà, nếu cần thì đưa đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị. Cha mẹ cho học sinh ở nhà nếu học sinh đang trong thời gian cách ly tại nhà theo yêu cầu của cơ quan y tế.

3. Đối với sinh viên, học viên: Tự đo nhiệt độ. Nếu có sốt hoặc ho và khó thở thì chủ động báo cho nhà trường và nghỉ ở nhà để theo dõi sức khỏe, nếu cần thì đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị. Sinh viên, học viên không được đến trường nếu đang trong thời gian cách ly tại nhà theo yêu cầu của cơ quan y tế.

4. Giáo viên, cán bộ công nhân viên nhà trường tự đo nhiệt độ. Nếu có sốt hoặc ho và khó thở thì chủ động báo cho nhà trường và nghỉ ở nhà để theo dõi sức khỏe, nếu cần thì đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị. Giáo viên, cán bộ công nhân viên nhà trường không được đến trường nếu đang trong thời gian cách ly tại nhà theo yêu cầu của cơ quan y tế.

5. Nhà trường bố trí người đón và giao học sinh tại cổng trường. Cha mẹ học sinh không vào trong trường. Bảo vệ nhà trường hạn chế không cho người không có nhiệm vụ vào trường.

II. Tại trường:

1. Trước khi học sinh quay trở lại học:

     Nhà trường phải thực hiện những nội dung sau:

- Đảm bảo đủ nước uống hợp vệ sinh và mỗi học sinh có một cốc nước dùng riêng, được vệ sinh sạch sẽ. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong nhà trường. Nếu nhà trường cung cấp khăn mặt, khăn lau tay cho học sinh thì phải đảm bảo môi học sinh có 1 khăn riêng và giặt sạch khăn với xà phòng sau mỗi ngày học.

- Bố trí và đảm bảo nơi rửa tay có xà phòng và nước sạch. Đảm bảo nhà vệ sinh sạch sẽ. Đảm bảo có đủ xà phòng, dung dịch khử khuẩn, các trang thiết bị phục vụ vệ sinh trường học.

- Tăng cường thông khí tại lớp học bằng cách mở cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa.

- Tập huấn cho giáo viên, cán bộ công nhân viên của nhà trường công tác phòng, chống dịch, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường trong trường học.

2. Trong thời gian học sinh ở trường:

2.1. Không tổ chức các hoạt động tập thể, tập trung đông người, tham quan thực tế, dã ngoại, học thêm. Tổ chức chào cờ tại lớp học.

2.2. Nhà trường thông báo cho giáo viên, cán bộ công nhân viên của trường, cha mẹ học sinh, học sinh không cần đeo khẩu trang khi ở trường. Nhà trường sẽ khuyến cáo đeo khẩu trang khi cần thiết.

2.3. Nhà trường quy định, hướng dẫn học sinh thực hiện các nội dung sau:

- Rửa tay với nước sạch và xà phòng theo quy trình rửa tay của Bộ Y tế tại các thời điểm: Trước khi vào lớp học, trước và sau khi ăn, sau mỗi giờ ra chơi và nghỉ giữa giờ, sau khi đi vệ sinh, khi thấy tay bẩn.

- Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp. Vứt bỏ khăn giấy che mũi, miệng vào thùng rác và rửa sạch tay. Bỏ rác đúng nơi quy định.

- Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng để tránh lây nhiễm bệnh.

- Không dùng chung các đồ dùng cá nhân như cốc, chai nước, khăn tay, gối, chăn...

- Nghiêm cấm học sinh khạc nhổ bừa bãi.

2.4. Hàng ngày, trước khi vào giờ học, giáo viên điểm danh và hỏi học sinh có cảm thấy sốt hay có ho, khỏ thở, mệt mỏi không. Nếu có, giáo viên đưa ngay học sinh đến phòng y tế để kiểm tra, theo dõi.

2.5. Trong thời gian học, khi giáo viên phát hiện học sinh có biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở thì phải đưa đến phòng y tế ngay để kiểm tra, theo dõi, cách ly và thông báo ngay cho trạm y tế xã/phường, cơ quan quản lý và cha mẹ học sinh. Nhân viên y tế tại trường học có trách nhiệm cung cấp khẩu trang và hướng dẫn đeo đúng cách cho học sinh nêu trên.

2.6. Trong thời gian học, khi giáo viên, cán bộ công nhân viên nhà trường có biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở thì phải đến phòng y tế ngay để được kiểm tra, theo dõi, cách ly. Nhân viên y tế thông báo ngay cho trạm y tế xã/phường, cơ quan quản lý đồng thời cung cấp khẩu trang và hướng dẫn đeo đúng cách cho giáo viên, cán bộ công nhân viên nhà trường nêu trên.

III. Công tác khử khuẩn tại nhà trường.

1. Khử khuẩn bằng các chất tẩy rửa thông thường như xà phòng hoặc các dung dịch khử khuẩn có chứa 0,05% Clo hoạt tính hoặc có chứa ít nhất 60% cồn. Ưu tiên khử khuẩn bằng cách lau rửa.

2. Trước khi học sinh quay trở lại trường:

- Tổ chức vệ sinh ngoại cảnh (phát quang bụi rậm, không để nước đọng, các dụng cụ chứa nước phải được đậy kín).

- Tổ chức khử khuẩn trường học một lần bằng cách phun hoặc lau nền nhà, tường nhà (nếu có thể), tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, bàn ghế, đồ chơi, dụng cụ học tập và các đồ vật trong phòng học, phòng chức năng.

3. Trong thời gian học:

- Mỗi ngày một lần, sau giờ học nhà trường tổ chức lau khử khuẩn nền nhà, tường nhà (nếu có thể), bàn ghế, đồ chơi, dụng cụ học tập và các đô vật trong phòng học, phòng chức năng.

- Mỗi ngày hai lần, sau giờ học buổi sáng và cuối ngày nhà trường tổ chức lau khử khuẩn tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can.

- Hạn chế sử dụng các đồ chơi, dụng cụ học tập bằng các vật liệu không khử khuẩn được.

- Đối với các phương tiện đưa đón học sinh: Mỗi ngày hai lần, sau mỗi chuyến đưa, đón học sinh tiến hành lau khử khuẩn tay nắm cửa xe, tay vịn, ghế ngồi, cửa sổ, sàn xe.

- Trong trường hợp có học sinh có biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở tại trường học, nghi ngờ hoặc có xét nghiệm dương tính với vi rút Corona thì nhà trường phải thực hiện khử khuẩn theo khuyến cáo và hướng dẫn của cơ quan y tế địa phương.

4. Bố trí đủ thùng đựng chất thải có nắp đậy kín và thực hiện thu gom, xử lý hàng ngày.

                       -------------------------------------------------------------------------------

Bài tin liên quan
Chính phủ điện tử
Tin đọc nhiều
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2
Hôm qua : 6
Tháng 04 : 232
Năm 2024 : 1.207